Quá trình hoạt động Quỳ_Đông_thập_tam_gia

Mùa đông năm Thuận Trị thứ 7 (1650), Trung Trinh doanh (danh hiệu mà nhà Nam Minh dành cho quân đội của Lý Xích Tâm, Cao Tất Chính) được Lý Lai HanhĐảng Thủ Tố soái lãnh, từ Quảng Tây chuyển đến đông bộ Quý Châu, hội họp với tàn dư quân Đại Thuận đã ở đây từ trước là bọn Lưu Thể Thuần, Hác Vĩnh Trung (Hác Diêu Kỳ), Viên Tông Đệ, "Tháp thiên bảo", Mã Đằng Vân, liên kết với bọn tướng lãnh Nam Minh là Vương Quang Hưng, Hạ Trân, Dương Khải Minh cùng bọn thủ lĩnh vũ trang đại phương là Đàm Văn, Đàm Nghệ, Đàm Hoành. Cả thảy 13 cánh quân, đồng lòng ủng hộ chính quyền Vĩnh Lịch kháng Thanh, dân gian quen gọi là "Quỳ Đông thập tam gia".

Lực lượng nghĩa quân lúc mạnh nhất lên đến hơn 20 vạn, lấy Mao Lộc Sơn thuộc huyện Hưng Sơn làm trung tâm, phạm vi hoạt động trùm qua 4 dãy núi Đại Ba Sơn, Vũ Đương Sơn, Vu Sơn, Kinh Sơn, hơn 20 huyện. Bọn Lưu Thể Thuần, Viên Tông Đệ đóng ở khu vực Ba Đông cùng Quỳ Châu, gọi là Tây tuyến. Bọn Hác Vĩnh Trung đóng ở khu vực huyện Phòng làm trung tâm, gọi là Bắc tuyến. Bọn Lý Lai Hanh đóng ở khu vực Mao Lộc Sơn thuộc Hưng Sơn, gọi là Đông tuyến.

Vì vùng này dân cư thưa thớt, đất đai khô cằn, quân đội của Thập tam gia vỗ về trăm họ, khôi phục làm ăn sanh hoạt, tổ chức khai khẩn đồn điền, phát triển buôn bán, giải quyết vấn đề vật chất thiếu thốn. Tuy họ tiếp nhận phong tước của chính quyền Vĩnh Lịch, nhưng về mặt chiến lược, chủ lực của nhà Nam Minh lúc này là tàn dư của quân nông dân Đại Tây, nên không thể tránh khỏi có sự tranh chấp về mặt phái hệ, dẫn đến khiếm khuyết về mặt chỉ huy. Dù vậy, Quỳ Đông thập tam gia đã thành công trong việc ngăn trở con đường giao thông bằng đường thủy dựa vào Trường Giang, khiến quân Thanh từ phía bắc Lục Lộ đi qua Thiểm Tây hoặc từ phía nam đi qua Quảng Tây tiến đánh vùng Tây nam, hạn chế đáng kể binh lực nam hạ của nhà Thanh.